Sẹo lồi là gì? Nguyên nhân hình thành và cách điều trị

Khi bạn bị bất kỳ một vết thương nào trên da sau quá trình lành bệnh đều tạo thành sẹo, sẹo lõm hay sẹo lồi sẽ tùy thuộc vào vết thương gây ra và cơ địa của từng người. Trong số các loại sẹo thì sẹo lồi gây mất thẩm mỹ nhiều và đôi khi gây khó chịu cho người bệnh. Vậy sẹo lồi là gì? Nguyên nhân hình thành và cách điều trị ra sao hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua những thông tin sau.

Sẹo lồi là gì?

Sẹo là kết quả hình thành của những vết thương sau khi lành hẳn. Những vết sẹo bình thường có kích thước bằng kích thước của vết thương không có hiện tượng lồi lõm, không đau, có màu tương tự so với bề mặt da.

Còn sẹo lồi sẽ là tình trạng sẹo hình thành sau vài tháng điều trị vết thương tích cực. Chúng sẽ nhô lên hẳn so với bề mặt da có màu đỏ, hồng hoặc màu đỏ sẫm. Mắt thường có thể nhìn rõ ranh giới của sẹo với vùng da xung quanh, bề mặt nhẵn căng bóng, sờ vào sẽ thấy hơi cứng như một khối cao su. Bản chất của sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức của các mô sợi trong lớp bì.

Hình ảnh sẹo lồi

Theo thời gian sẹo lồi sẽ phát triển, mặc dù không gây nguy hiểm gì cho cơ thể nhưng nó có thể lan rộng hơn lúc ban đầu, hình dạng không đều, sậm màu hơn và gây ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ đôi khi có nhiều vết sẹo lồi trở nên nhỏ hơn, mượt hơn theo thời gian do từng cơ địa và sự chăm sóc của người bệnh.

Theo nghiên cứu có khoảng 10% số người ngay cả những vết thương nhẹ cũng có thể tạo thành vết sẹo lồi lớn và tối màu. Có một số trường hợp sẹo lồi gây ngứa, gây đau hoặc khiến người bệnh thấy vùng da có sẹo bị căng cứng.

Tại sao sẹo lồi lại là vấn đề đáng lo ngại?

Sẹo lồi có thể là mối quan tâm lớn do sự xuất hiện của chúng nhất là khi chúng xuất hiện trên mặt, cổ, tay, chân… những vị trí lộ diện ra bên ngoài nhiều. Không giống như các loại sẹo khác sẹo lồi không biến mất theo thời gian chính vì thế sẹo lồi trở thành vấn đề đáng lo ngại về thẩm mỹ, gây khó chịu, căng thẳng cho người bị sẹo. Thậm chí người bệnh còn hạn chế chuyển động nếu sẹo xuất hiện tại vị trí các khớp như ở đầu gối, mắt cá chân. Không chỉ có vậy khi sẹo lồi xuất hiện sự kéo giãn quá mức của da có thể khiến người bệnh bị ngứa, nếu sẹo lồi có kích thước lớn có thể dễ bị cọ sát vào quần áo gây kích thích.

Sẹo lồi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ

Nguyên nhân hình thành sẹo lồi là gì?

Nguyên nhân gây ra sẹo lồi là do tổn thương, khi da bị chấn thương các phản ứng của tế bào biểu bì hình thành nên sẹo lồi, chính vì thế ngay cả những vết cắt nhỏ cũng có thể gây ra sẹo lồi. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tổn thương có thể là:

- Do vết cắt, đứt tay, vết cạo râu.

- Do tai nạn, chấn thương xảy ra.

- Bị bỏng: Bỏng nước sôi, bỏng axit, bỏng hóa chất…

- Vết mổ do phẫu thuật.

- Bị động vật cắn.

- Xỏ khuyên, xăm hình.

- Bị thủy đậu hoặc một số bệnh trên da gây nên sẹo.

Sau khi da bị tổn thương, quá trình tái tạo collagen được hình thành nhiều hơn để chữa lành vết thương, đồng thời các tế bào biểu bì tăng sinh quá mức hình thành nên sẹo lồi. Đối với những người có cơ địa sẹo lồi ngay cả khi da đã lành và hình thành sẹo các tế bào da vẫn tiếp tục tăng sinh, các mô sẹo tiếp tục phát triển và lớn lên theo thời gian.

Hình ảnh vết sẹo lồi lớn trên bàn tay

Mặc dù sẹo lồi có thể hình thành trên bất kỳ loại da và cơ địa nào nhưng chúng có khả năng hình thành cao hơn ở những người:

- Có tiền sử gia đình đều bị sẹo lồi.

- Người dưới 30 tuổi, nhất là thanh thiếu niên đã qua tuổi dậy thì.

- Phụ nữ mang thai, sau sinh.

- Những người có tông màu da sẫm màu hơn ví dụ người gốc Châu Á, người Mỹ gốc Phi sẽ có khả năng phát triển sẹo lồi nhiều hơn những người khác.

Mặc dù sẹo lồi được coi như một khối u ngoài da lành tính nhưng chúng cũng gây khó chịu và gây mất thẩm mỹ vì thế có rất nhiều người vẫn muốn điều trị sẹo lồi để nó không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy cách điều trị sẹo lồi thế nào?

Phòng ngừa và điều trị sẹo lồi

Giống như mọi loại sẹo, sẹo lồi có thể khó điều trị tuy nhiên với những tiến bộ y tế như hiện nay thì việc điều trị sẹo lồi có thể thực hiện được. Điều này rất có ý nghĩa với những người bị sẹo lồi ở những vị trí dễ nhìn thấy, gây mất thẩm mỹ và thiếu tự tin.

Các bệnh nhân nên lưu ý sẹo phải mất một khoảng thời gian khá lâu để trưởng thành, thời gian này có thể sẽ có những phát triển để cải thiện được mô sẹo một cách tốt nhất. Các bác sĩ không hề khuyến khích điều trị sẹo khi sẹo vẫn còn non chúng vì thế trước khi tìm kiếm phương thức điều trị sẹo các bạn nên nhớ phải chắc chắn sẹo của mình đã trưởng thành.

Điều trị sẹo lồi

Về cách điều trị sẹo, các chuyên gia đầu ngành cho biết hiện nay có nhiều cách để làm phẳng, làm co vết sẹo lồi với biện pháp nội khoa, ngoại khoa, vật lý, xạ trị khác nhau. Cụ thể là:

Tiêm Corticosteroid:

Đây là phương pháp đầu tiên được áp dụng để điều trị sẹo lồi. Corticosteroid thuộc nhóm thuốc kháng viêm mạnh được áp dụng để giảm phản ứng viêm xảy ra ở nhiều bệnh. Tiêm Corticosteroid vào vết sẹo với giãn cách từ 1 – 2 tháng tùy thuộc vào cơ địa sẽ giúp làm dịu và phẳng vết sẹo.

Phương pháp này đòi hỏi phải điều trị lâu dài nhưng lại có những tác dụng phụ như khiến da teo, giãn tĩnh mạch, rối loạn kinh nguyệt. Vì thế trước khi quyết định thực hiện người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, thực hiện hạn chế mức tối đa rủi ro.

Tiêm chất điều biến:

Chất tiêu biến có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp collagen giúp sẹo lồi không bị phát triển thêm nữa bằng cách khử acid ribonucleic. Theo một báo cáo cho thấy tác dụng của chất tiêu biến là: tỷ lệ tái phát 18,7% (tiêm sau khi cắt sẹo lồi), đối với bệnh nhân không tiêm tỷ lệ tái phát là 51%. Tuy nhiên với cách này sẹo có diện tích lớn sẽ khá tốn kém.

Tiêm chất kháng sinh, chống ung thư:

Trong thực tế phương pháp tiêm chất kháng sinh, chống ung thư được dùng thành công cho các vết sẹo lồi cô lập nhỏ. Thời gian tiêm là hàng tuần, mỗi vết sẹo có kích thước trung bình cần khoảng 5 – 10 lần tiêm. Phương pháp này có nhược điểm là gây đau nên nhiều bệnh nhân không tuân theo được phác đồ điều trị.

Laser trị sẹo lồi:

Đối với các vết sẹo mới hình thành liệu pháp laser làm đẹp da có hiệu quả khá tốt. Laser đốt chat và làm phẳng sẹo mà không gây tổn thương nhiều tới vùng da xung quanh. Hiện nay có rất nhiều loại liệu pháp laser khác nhau để điều trị sẹo lồi như: Laser argon, laser carbon dioxide (CO2), laser neodymium, laser sung màu bước sóng 585-nm.

Liệu pháp Cryotherapy:

Các bác sĩ sẽ đóng băng mô sẹo bằng nitơ lỏng để làm phẳng sẹo. Phương pháp này được chứng minh là khá thành công và độ an toàn cao, không gây độc hại tuy nhiên nếu được kết hợp với các phương pháp khác có thể thu về kết quả khả quan hơn.

Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi, sẹo phình đại:

Sau khi sẹo lồi đã thực sự trưởng thành có thể cắt bỏ được bác sĩ có thể thực hiện cắt bỏ sẹo lồi và khâu vết thương lại. Các loại sẹo lồi sau khi cắt cần phụ trợ thêm corticosteroid tiêm vào vết thương, băng ép, thuốc silicone, kem bôi hoặc tiêm chất điều biến. Vết khâu phải để yên khoảng 2 tuần

Với những bệnh nhân có sẹo lồi quá lớn hoặc nhiều sẹo, không thể sử dụng thủ thuật cắt bỏ vì như vậy việc bào mòn có thể ngang bằng với tổn thương da bình thường nên cần phải điều trị bằng biện pháp khác.

Điều trị sẹo lồi bằng phương pháp phẫu thuật :( Ảnh Minh Họa)

- Phẫu thuật lạnh:

Biện pháp này sẽ làm đông lạnh sẹo lồi bằng nitrogen lỏng để làm hư hại tế bào và các mao mạch, khi sẹo lồi thiếu oxy các mô sẽ bị hoại tử và tróc ra, vị trí sẹo sẽ xẹp xuống. Phương pháp này cần phải chính xác, hai chu kỳ làm tan mảng sẹo đã được đóng băng mỗi chu kỳ chỉ khoảng 15 – 20 giây, trong 8 – 10 lần, nếu quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng làm giảm sắc tố da do tế bào melanin bị phá hủy.

- Xạ trị:

Biện pháp này có thể áp dụng như một liệu pháp đơn hoặc kết hợp cùng phẫu thuật để dự phòng việc tái phát sẹo lồi sau khi cắt bỏ. Với phương pháp này không được áp dụng cho trẻ em. Đa số bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật phối hợp với xạ trị từng đợt ngắn để mang lại kết quả khả quan.

Ngoài các biện pháp ngoại khoa kể trên sẹo lồi còn có thể điều trị với một số biện pháp nội khoa khác như:

- Băng keo thẩm mỹ:

Dán lên sẹo lồi khoảng 12 – 20 tiếng mỗi ngày giúp sẹo mềm và phẳng dần. Mặc dù nó có thể khiến vùng da có sẹo hết ngứa nhưng về lâu dài có thể gây teo da.

- Bôi thuốc mỡ:

Bôi thuốc mỡ thường xuyên có thể làm mềm và làm phẳng sẹo lồi, bệnh nhân hết ngứa và hết có cảm giác khó chịu do sẹo lồi gây ra. Tuy nhiên loại thuốc mỡ dùng bôi sẹo lồi này nếu dùng lâu dài có thể gây mất sắc tố da, teo da.

- Dầu sinh học:

Dầu sinh học được sử dụng với nhiều loại sẹo chứ không chỉ sẹo lồi. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy dầu sinh học có kết quả dương tính với việc điều trị sẹo phình đại và sẹo lồi.

Người bệnh cũng cần lưu ý chăm sóc vết thương thích hợp tránh thương tích trên da như xăm hình, xỏ khuyên để không xảy ra tình trạng sẹo lồi. Tóm lại sẹo lồi là một vấn đề khá tệ và nghiêm trọng hơn nếu nó gây ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ và sức khỏe. Vì thế cách tốt nhất nếu bị vết thương hở dễ hình thành sẹo bạn cần chú ý chăm sóc, kiêng kị để chúng không phát triển thành sẹo lồi và trở nên nghiêm trọng.

Nguồn : thammydahanoi